Hydroponics – Giải pháp cho Nông nghiệp đô thị
Những công trình bê tông mọc lên chiếm quá nhiều đất đai của thành phố. Nông nghiệp đô thị dù muốn lắm nhưng… không còn đất để dụng võ. Đâu là giải pháp?
Công nghệ hydroponics
Cây trồng bám rễ vào đất. Không có đất cây… chết chắc. Thế nhưng, nếu không kể phần nước “uống” thì cây chỉ lấy khoảng 5% chất dinh dưỡng từ đất để “ăn”, 95% chất dinh dưỡng còn lại thì “nhà máy cây” tự sản xuất (quang hợp) và tự tiêu thụ. Đất chỉ đóng vai trò như cái kho lưu giữ các chất dinh dưỡng để cây dùng từ từ. Nếu có cách để dự trữ và biến các chất dinh dưỡng thành dung dịch lỏng để cây trực tiếp hấp thụ thì cái “kho đất” không còn cần thiết nữa. Khi đó ta hoàn toàn có thể trồng cây không cần đất. Công nghệ này gọi là hydroponics.
Hydroponics là kỹ thuật trồng thực vật trong dung dịch dinh dưỡng, thường được định nghĩa như là “trồng cây trong nước” hoặc “trồng cây không cần đất”. Bí quyết của kỹ thuật này là cung cấp đủ và đúng lúc cho cây trồng các nguyên tố khoáng cần thiết. Cung cấp đầy đủ cái ăn, bảo đảm đủ ánh sáng, CO2 cho quá trình quang hợp, O2 cho quá trình hô hấp, cây trồng có thể phát triển khỏe mạnh theo ý muốn của người trồng.
Công nghệ hydroponis đã được nghiên cứu từ thế kỷ XVII. Ðến nay, công nghệ này đã hoàn thiện, hướng đến những nông sản sạch, xanh, không ô nhiễm. Với quy mô gia đình nhỏ lẻ, những chậu hoa hay rau xanh có thể phát triển mạnh mẽ không cần đất nơi góc sân thượng, lan can, bậu cửa. Với quy mô thương mại, những nhà kính trồng hoa, rau, củ, quả… phát triển sạch, năng suất cao, chủ động, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn vì không bị ảnh hưởng của những nguồn ô nhiễm từ đất. Không những vậy, vì trồng không cần đất nên có thể chia không gian thành nhiều tầng để nhân đôi, nhân ba diện tích sản xuất.
Các hệ thống hydroponics cơ bản
Các hệ thống hydroponics đều gồm các phần chính: khay trồng chứa cây con và giá thể (dùng những chất như xơ dừa, cát, sỏi, trấu, than bùn, len đá (rockwool), đá bọt nham trân châu (perlite)…thay cho đất trong cách trồng thông thường ); dung dịch dinh dưỡng và các máy bơm điều khiển. Trong phương thức nuôi trồng hydroponis, chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng tối ưu của thực vật có thể được cung cấp qua sự tiếp xúc trực tiếp giữa rễ và dung dịch dinh dưỡng hoặc gián tiếp qua các giá thể.
Sau đây là 6 hệ thống hydroponis cơ bản, đi từ đơn giản đến phức tạp. Từ 6 hệ thống cơ bản này có thể biến tấu thành nhiều kiểu khác nhau.
Hệ thống dạng bấc (wick system): hệ thống dạng bấc cho đến nay là dạng hệ thống hydroponics đơn giản nhất. Đúng như tên gọi, bí quyết của hệ thống này nằm ở chỗ sợi bấc. Đặt một đầu của sợi bấc hút sao cho chạm vào phần rễ cây. Đầu kia của bấc chìm trong dung dịch dinh dưỡng. Sợi bấc này sẽ làm nhiệm vụ hút nước và dung dịch dinh dưỡng lên cung cấp cho rễ cây (tương tự như sợi bấc trong đèn dầu, hút dầu lên để duy trì sự cháy). Như vậy cây sẽ có đủ nước và chất dinh dưỡng để phát triển.
Hệ thống thủy canh (water culture): thủy canh là hệ thống thường được lựa chọn cho nuôi cấy rau diếp, loại cây phát triển mạnh khi gặp nước. Phần bệ giữ các cây thường làm bằng chất dẻo xốp như styrofoam và đặt nổi ngay trên dung dịch dinh dưỡng, rễ cây ngập chìm trong nước có chứa dung dịch dinh dưỡng. Vì môi trường thiếu khí oxy nên cần có 1 máy bơm bơm khí vào khối sủi bọt để cung cấp oxy cho rễ. Hệ thống hydroponics dạng này thường dùng phổ biến trong dạy học. Hệ thống ít tốn kém, có thể tận dụng bể chứa nước hay những bình chứa không rỉ khác.
Hệ thống ngập & rút định kỳ (ebb và flow system): không giống như hệ thống thủy canh ở trên, phần rễ cây luôn chìm trong nước chỉ thích hợp cho 1 số ít cây trồng. Hệ thống ngập và rút định kỳ có một máy bơm điều khiển để có thể bơm dung dịch dinh dưỡng vào khay trồng và rút ra theo chu kỳ đã được định sẵn. Như vậy rễ cây sẽ có những lúc không ngập trong nước để “thở” một cách tự nhiên, tránh bị ngộp. Hệ thống này có thể dùng để trồng cà chua, khoai tây.
Hệ thống nhỏ giọt (Drip systems): hệ thống nhỏ giọt là loại hệ thống hydroponics được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Máy bơm sẽ bơm dung dịch dinh dưỡng lên, nhỏ trực tiếp vào gốc của cây trồng bởi những đường ống nhỏ giọt theo định kỳ. Dung dịch dinh dưỡng dư chảy xuống sẽ được thu hồi trong bể tái sử dụng. Như vậy, hệ thống này sử dụng dung dịch dinh dưỡng khá hiệu quả, nước dư ra được tái sử dụng, không bị hao phí. Hệ thống này có thể dùng để trồng cây thảo mộc và các loại hoa.
Hệ thống “màng dinh dưỡng” NFT (Nutrient Film Technique): trong hệ thống màng dinh dưỡng, dung dịch dinh dưỡng được bơm liên tục vào khay trồng và chảy qua rễ của cây, sau đó chúng chảy về bồn chứa để tái sử dụng. Thường thì trong hệ thống màng dinh dưỡng không cần dùng thêm chất trồng, giúp tiết kiệm chi phí thay chất trồng sau mỗi vụ mùa. Hệ thống này thường sử dụng trong quy mô lớn với mục đích thương mại.
Khí canh (Aeroponics): là hệ thống hydroponics dạng kỹ thuật cao nhất. Giống như hệ thống màng dinh dưỡng, chất trồng chủ yếu là không khí. Rễ phơi trong không khí và được phun sương bằng dung dịch dinh dưỡng. Việc phun sương thường được thực hiện mỗi vài phút. Như vậy, cây vừa có đủ thức ăn, vừa có đủ nước uống và luôn có không khí để thở.
Công thức pha chế dung dịch dinh dưỡng
Trong kỹ thuật hydroponics, vấn đề khó khăn nhất là tạo một dung dịch dinh dưỡng ổn định phù hợp với cây trồng. Về cơ bản, dung dịch dinh dưỡng gồm các thành phần như các muối nitrat, canxi phosphat Ca3(PO3)2, magie sulfat MgSO4… Thêm vào đó là một số nguyên tố vi lượng như mangan sulfat MnSO4, đồng sulfat CuSO4, acid boric H3BO3... Nước là thành phần cuối cùng được cho vào dung dịch với hàm lượng gấp khoảng 500 lần lượng hóa chất. Dung dịch này được hòa tan và bảo quản kín để sử dụng dần.
Công nghệ hydroponics dưới góc nhìn sáng chế
Từ năm 1966 đến nay (tháng 9/2009) có trên 500 sáng chế về kỹ thuật hydroponics. Nhật Bản là nước vượt lên dẫn đầu với khoảng 260 sáng chế, chiếm 47%. Theo sau đó là Hàn Quốc với 103 sáng chế, chiếm 19%, Mỹ với 46 sáng chế, chiếm 9%...
Ứng dụng hydroponics trên thế giới và ở Việt Nam
Tại triển lãm quốc tế tổ chức ở Tsukuba, Nhật Bản vào năm 1985, cây cà chua khổng lồ trồng theo kỹ thuật hydroponics của GS. KeiMori (Ðại học Tổng hợp Kelo, Tokyo) đã được giới thiệu. Sau 6 tháng trồng trong môi trường dinh dưỡng và chiếu sáng nhân tạo, đường kính tán cây cà chua này đã lên đến 10m và cho đến 10.000 quả cà chua. Ngoài ra, giáo sư KeiMori cũng ứng dụng kỹ thuật hydroponics trồng nhiều loại cây khác nhau, thu hoạch được 3.300 quả trên một gốc dưa chuột, 90 quả trên một gốc dưa hấu.
Ở quy mô rộng hơn, Thụy Sỹ đã thu hoạch được khoảng 720-840 củ cải đường trên 1m2 trồng không đất. Ở Nga, ứng dụng trồng cỏ theo kỹ thuật hydroponics, trên 14,4m2 đã thu hoạch cỏ tương đương với 3-3,5 ha đồng cỏ tự nhiên (khoảng 100-120 tấn cỏ tươi), và năng suất cà chua có thể đạt đến 250 tấn quả/ha. Nhà kính trồng rau áp dụng kỹ thuật hydroponics của tập đoàn Eurofresh ở bang Arizona được xem là có quy mô lớn nhất nước Mỹ. Mỗi năm trang trại rộng 110 héc-ta ở đây sản xuất hơn 90.000 tấn cà chua.
Việt Nam cũng đang dần dần ứng dụng thành tựu nông nghiệp của thế giới. Năm 1997 trường Ðại học Nông nghiệp I Hà Nội đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ hydroponics “Việt hóa” cho phù hợp với điều kiện ở nước ta. Tại các kỳ hội chợ Techmart ở Hải Phòng, TP. HCM, những thành công bước đầu của cây cà chua, dưa leo, xà lách... trồng theo công nghệ hydroponics Việt Nam đã được giới thiệu. Rau xà lách có thể trồng quanh năm (canh tác với đất: 2 vụ /năm). Dưa chuột, trồng theo cách truyền thống được 2 vụ /năm, kỹ thuật hydroponics được 4 vụ /năm; chất lượng mẫu mã và năng suất cao gấp 4 - 5 lần so với canh tác cũ. Thành tựu này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện hoàn thiện để chuyển giao cho các cơ sở trồng rau sạch.
Ở khu vực phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh đi tiên phong ứng dụng công nghệ hydroponics trong nông nghiệp đô thị. Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao đã được Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn xây dựng xong tại huyện Củ Chi. Công nghệ hydroponics là 1 trong 5 loại hình công nghệ được áp dụng tại khu nông nghiệp công nghệ cao này. Bước đầu đã cho ra những sản phẩm xà lách, cà chua, dưa leo… hoàn toàn “xanh, sạch”, nhưng giá bán vẫn còn cao nên vẫn chưa thể cạnh tranh với thị trường truyền thống.
Cây sống không cần đất. Ðiều kỳ diệu ấy sẽ là cơ hội với một nước 70% dân số làm nông nghiệp như Việt Nam.
MINH HUY - cesti.gov.vn